Từ khi thực hiện Đề án 1816, việc tăng cường bác sĩ về tuyến dưới đã đem lại niềm vui cho biết bao người bệnh.
Ở Bình Thuận có một bệnh viện tư nhân cũng không đứng ngoài cuộc trong việc chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng - đó là Bệnh viện Đa khoa An Phước (BVĐK), đã đưa bác sĩ về hỗ trợ chuyên môn cho Trạm Y tế xã Thuận Hòa - Hàm Thuận Bắc.
Thuận Hòa là xã vùng sâu, vùng kháng chiến cũ, có 5.272 khẩu, đặc biệt có thôn Dân Hiệp với 1.048 khẩu là đồng bào dân tộc K’Ho, Raglay, Chăm và Tày. Đời sống người dân chỉ dựa vào nông nghiệp, thương mại, dịch vụ không có gì.
Năm 2005, Trạm Y tế xã được UBND tỉnh công nhận đạt Chuẩn quốc gia y tế và cũng năm đó, Trạm Y tế được Thủ tướng Chính phủ tặng Huân chương Lao động Hạng 3. Tuy nhiên, Trạm chưa có bác sĩ nên còn nhiều hạn chế trong việc khám và chữa bệnh cho nhân dân. Vừa qua, khu vực UBND xã và Trạm Y tế Thuận Hòa đông vui như hội, khi BVĐK An Phước tổ chức lễ thực hiện Đề án 1816 và khám chữa bệnh từ thiện cho nhân dân.
Ông Phan Ngọc Hùng - Giám đốc BVĐK An Phước cho biết: “Trong thời gian một năm, chúng tôi cử bác sĩ luân phiên về Trạm Y tế xã. Tại đây, các bác sĩ sẽ tổ chức phát sổ khám chữa bệnh cho toàn dân, thông qua đó sàng lọc bệnh cho Trạm Y tế nắm và có hướng điều trị, tầm soát ung thư cổ tử cung để điều trị kịp thời, chữa bệnh cho người mù bằng kỹ thuật pharco, chuyển giao cho cán bộ y tế xã cách sử dụng máy đo điện tâm đồ, máy siêu âm, giúp cho việc phát hiện sớm các bệnh lý, huấn luyện cấp cứu thông thường về ngoại khoa, sản khoa… Việc đưa bác sĩ về xã trực tiếp khám chữa bệnh cho nhân dân không ngoài mục đích giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên”.
Trưởng Trạm Y tế Thuận Hòa vui vẻ cho biết: “Trạm Y tế xã ngoài việc thực hiện các chương trình mục tiêu y tế quốc gia, mỗi tháng còn khám chữa bệnh cho khoảng 500 lượt người. Trạm được Sở Y tế trang bị máy đo điện tim, máy siêu âm nhưng lâu nay không ai biết sử dụng. Hiện tại, Trạm có 2 người đang học đại học Y khoa là chị Huỳnh Thị Bông và anh Phạm Thế Hồ. Chị Bông sang năm ra trường, anh Hồ chuẩn bị tốt nghiệp vào tháng 9 này. Việc BVĐK An Phước đưa bác sĩ về hỗ trợ chuyên môn, hy vọng rằng trong thời gian ngắn, chúng tôi có thể sử dụng thành thạo máy đo điện tim, máy siêu âm và học tập được kinh nghiệm chẩn đoán và điều trị các bệnh thông thường”.
Cũng trong buổi lễ, đội ngũ bác sĩ của BVĐK An Phước đã tiến hành khám chữa bệnh miễn phí cho người dân ở xã, không khí như một bữa tiệc chăm sóc sức khỏe của cả làng, người dân hết sức vui mừng. Chị Mang Thị Lao (SN 1967) hồ hởi: “Có bác sĩ chúng tôi mừng lắm, đau đầu, nhức tay có bác sĩ chăm sóc không cần phải đi đâu xa”.