Khoảng 15h ngày 26/ 2/ 2006, Bệnh viện An Phước tiếp nhận một bệnh nhân nữ 46 tuổi, người này đang trong tình trạng đau trằn bụng dưới ra phía thắt lưng và rất khó chịu vì cảm giác đau bụng nhưng...
Khoảng 15h ngày 26/ 2/ 2006, Bệnh viện An Phước tiếp nhận một bệnh nhân nữ 46 tuổi, người này đang trong tình trạng đau trằn bụng dưới ra phía thắt lưng và rất khó chịu vì cảm giác đau bụng nhưng không thể đại tiện được. Sau khi siêu âm kiểm tra, bác sỹ cho biết bệnh nhân - chị Phan Thị Kỷ (trú tại xã Hàm Mỹ huyện Hàm Thuận Nam) bị một viên sỏi đường kính 1,6 cm nằm trong niệu quản.
Sau khi hội chẩn và được sự thống nhất của gia đình bệnh nhân, ngày hôm sau, ca mổ tán sỏi niệu quản bằng phương pháp nội soi được thực hiện. Người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật trên là bác sỹ Tuấn – một bác sỹ Ngoại khoa. Ngoài ra, để trợ giúp cho bác sỹ Tuấn kíp mổ còn có thêm ba trợ lý và hai nhân viên gây mê.
Khoảng 9h ngày 27/2/2006, sau khi thuốc mê có tác dụng, ca mổ được tiến hành đối với bệnh nhân Kỷ. Thiết bị nội soi được đưa từ niệu đạo, xuyên qua bàng quang để tiếp xúc với viên sỏi nằm chắn ngang niệu quản. Vừa quan sát màn hình, bác sỹ Tuấn vừa khéo léo điều khiển thiết bị và chỉ 30 phút sau viên sỏi được bác sỹ Tuấn tán nhỏ và gắp ra. Đến chiều cùng ngày, tuy còn cảm giác hơi mỏi vì lượng thuốc mê còn trong cơ thể, chúng tôi đã có thể trò chuyện thoải mái với bệnh nhân này. Chị Kỷ cho biết: Hiện trong người chị không còn cảm giác đau trằn và khó chịu như lúc mới nhập viện nên bác sỹ nói có thể mai sẽ xuất viện. Trước đây, thông tin mà chúng tôi nắm được là vùng đất Hàm Mỹ mà chị Kỷ đang sinh sống và một số xã ở huyện Hàm Thuận Nam hầu như nguồn nước sinh hoạt đều bị vôi hoá với nồng độ cao. Do đó muốn dùng được phải có thiết bị lọc nước hoặc chở nước từ nơi khác về. Ngoài chức năng đào thải của thận bị trục trặc, nguồn nước bị nhiễm vôi cũng là một trong những nguyên nhân gây bệnh đóng sỏi trong một số bộ phận của cơ thể như niệu quản, bàng quan hoặc sỏi thận.
Bác sỹ Phan Ngọc Hùng, Giám đốc Bệnh viện An Phước cho biết trước nhu cầu mỗi ngày bệnh viện phải tiếp nhận vài ca có triệu chứng cơn đau quặn thận nhưng đều phải chuyển viện. Và chữa trị ở thành phố H.C.M thì chi phí rất cao, mỗi ca có thể tốn từ 6.000.000 – 7.000.000 đồng. Vì thế nhiều bệnh nhân không có điều kiện chữa trị. Nên sau khi cử một số bác sỹ trẻ đi bồi dưỡng thêm về lĩnh vực này ở Bệnh viện Bình Dân, từ 20/2/2006, Bệnh viện An Phước đã mạnh dạn đầu tư hệ thống thiết bị mổ nội soi này với tổng kinh phí 780.000.000 đồng. Trường hợp chị Kỷ là ca thứ năm mà Bệnh viện An Phước đã thực hiện. Và đặc biệt chi phí cho những ca tán sỏi niệu quản được Bệnh viện An Phước thực hiện chỉ tốn khoảng 3.000.000 đồng. Ngoài ra phẫu thuật bằng nội soi còn tránh được đau đớn, so với phương pháp mổ hở như trước nên rút ngắn thời gian điều trị.